HỘI KÝ GIẢ VIỆT NAM ORANGE COUNTY
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Trang nhà của Hội Ký Giả Việt Nam Orange County.
 
HomeHome  Latest imagesLatest images  SearchSearch  RegisterRegister  Log inLog in  

 

 Về quyền tự do hành nghề của nhà báo

Go down 
AuthorMessage
Admin
Admin
Admin


Posts : 49
Join date : 2010-08-18

Về quyền tự do hành nghề của nhà báo Empty
PostSubject: Về quyền tự do hành nghề của nhà báo   Về quyền tự do hành nghề của nhà báo EmptyWed Aug 18, 2010 10:21 pm

Về quyền tự do hành nghề của nhà báo!


Vũ Ánh/Việt Herald
(08/10/2010)

Định cư ở Mỹ gần 18 năm thì 17 năm làm báo, làm đài trong cộng đồng Việt Nam, từng gặp, từng nhìn thấy, từng nghe thấy những khẩu hiệu vọt ra từ cửa miệng của một số những phần tử lúc nào cũng vỗ ngực tự khoác cho mình cái áo chống Cộng may bằng giấy, rồi múa may như phường tuồng trong cộng đồng này, nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy xấu hổ lây như lần này. Xấu hổ lây bởi vì dù cố tránh, làm như mắt mù, tai điếc, cố không dây với họ cho yên thân, nhưng không được, chỉ vì mình... đã lỡ đa mang nghề báo từ thuở còn tuổi thanh xuân. Và nay đã có một nhóm người trong ủy ban hỗn hợp mệnh danh là “Chống Cộng Sản và Tay Sai” động tới quyền hành nghề của chúng tôi, quyền được Đệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ.

Tôi nói không ngoa đâu. Hoa Kỳ là đất nước vẫn hãnh diện là có được tu chính án số Một và chúng ta, tất cả những công dân Mỹ gốc Việt Nam, những người đánh đổi cái chết lấy cái sống vượt thoát khỏi chế độ Cộng sản, đến nước Mỹ được quốc gia này cho dung thân và trở thành công dân Hoa Kỳ sau khi tuyên thệ bảo vệ Hiệp Chủng Quốc, đều có bổn phận và trách nhiệm làm sáng danh Đệ Nhất Tu Chính Án. Chúng ta nhập cư Hoa Kỳ để tìm tự do, được sống trong tự do và phải bảo vệ sự tự do ấy, cho chính mình và cho người khác. Nó là món quà vô cùng quí giá sau khi chúng ta đã đánh mất sự tự do của chính mình vì biến cố 30 tháng 4, 1975.

Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai có phải trải qua tiến trình nói trên hay chưa để đến nỗi ngày nay một số quí vị trong ủy ban lại dấy lên những mưu đồ nhục nhã và tệ hại, đó là loại trừ sự tự do của người khác vốn từng là những người đồng cảnh chạy trốn Cộng sản như quí vị. Các ông như Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Thanh Liêm, Vi Anh... được coi là những người mà giới trẻ ở đây mỗi khi nhắc đến đều gọi là những bậc "trưởng thượng", những tấm gương để họ noi theo. Nhưng quí vị có điều gì để giới trẻ ở đây dùng làm gương? Họ sẽ noi theo quí vị trong ủy ban phối hợp trong việc quí vị lợi dụng ủy ban tự phong của mình để bịt miệng những nhà báo nào không nói cùng giọng điệu với quí vị? Họ sẽ noi theo hành động tự do lên án không cần chứng cớ, tự do hành động giống như đám công an Cộng sản bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý ngay trước tòa án? Giới trẻ Mỹ gốc Việt Nam ở đây thấm nhuần cái tinh thần dân chủ tự do mà nhà trường Mỹ đã dạy dỗ họ từ tấm bé. Nay thì thế hệ này đã thành công đỗ đạt, ra đời làm việc trong một hệ thống dân chủ vẫn còn được coi là hệ thống tuyệt vời nhất thế giới. Liệu họ có nên noi gương tính chất sinh hoạt thiếu dân chủ, không minh bạch, dùng tự do của mình để chà đạp tự do của người khác như quí vị đang làm không?

Những nhà báo như Đỗ Dzũng, Ngụy Vũ, Đoàn Trọng chỉ là ba trong số rất đông người làm báo, làm truyền thông Việt ngữ trong cộng đồng chúng ta. Họ có lỗi gì? Họ làm lợi cho cộng sản như thế nào? Có những bằng chứng nào cụ thể nào để củng cố cho lập luận của quí vị trong ủy ban phối hợp? Cuộc họp báo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có rất nhiều nhà báo tham dự, tại sao chỉ “pick” có 3 ký giả và đổ trách nhiệm cho họ? Các quí ông như Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Thanh Liêm, Vi Anh từng là những thành viên trong chính quyền và quân đội VNCH sao lại quên rất mau những sự kiện trong đó chính phủ VNCH thường cho phép các ký giả, phóng viên ở Saigon được tiếp xúc, phỏng vấn những cán binh Việt Cộng bị bắt thời chiến tranh Việt Nam. Sau các cuộc phỏng vấn như thế, báo chí truyền thông Saigon khai thác nhận định theo nhiều hướng, nhiều cách nhìn, nhiều nhận định khác nhau, nhưng có ai bị chính quyền lên án là làm lợi cho CS đâu? Dư luận có thể thích hay không thích những điều họ tường thuật, nhận định. Nếu không thích thì quyền tự do tối thượng của dân chúng là đưa tay tắt cái nút “volume” trên máy thu thanh hay truyền hình. Nếu không thích một bài báo nào, một bài tường thuật nào thì quyền tối thượng của độc giả là không mua tờ báo ấy, thậm chí còn vứt tờ báo ấy vào sọt rác rồi viết thư vào tòa soạn có ý kiến, đề nghị như thế này, như thế nọ, vân vân... và vân vân... Ở các nước dân chủ, tự do, nguyện vọng của độc giả, khán giả, thính giả được biểu lộ bằng những hình thức trên, không cần phải qua các tổ chức trung gian. Ở các nước độc tài Cộng sản như Việt Nam, nguyện vọng của độc giả, khán, thính giả không bao giờ được tôn trọng mà bị đảng Cộng sản "quản lý", lèo lái. Họ dùng bạo lực để áp dụng chuyên chính với báo chí bằng cách bịt miệng, bắt bớ, tù đầy những người nói khác với đường lối của đảng và nhà nước.

Bây giờ, tôi sẽ lần lượt nêu lên mắc míu về bản lên tiếng và buổi họp báo của Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai tại Lê Văn Duyệt Foundation. Trước hết, theo chỗ tôi hiểu thì ủy ban phối hợp không phải là kết quả một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu của cộng đồng gồm nhiều thành phần cử tri có khuynh hướng khác nhau. Vì vậy, ủy ban này không thể nhân danh đại diện "đồng hương" hay "cộng đồng" được, ngay cả khi ủy ban có danh sách của bao nhiêu hội đoàn ủng hộ cũng vậy mà thôi. Hơn nữa, về uy tín, người chủ tịch hiện nay của ủy ban phối hợp là ông Phan Kỳ Nhơn trước đây cũng từng lãnh đạo Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36 thực hiện các cuộc biểu tình chống tờ Việt Weekly mà các quí vị cho là báo Việt Cộng. Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36 đã thất bại và “kềnh” trong khi tờ Việt Weekly vẫn “sống hùng, sống mạnh” theo như cách nói đùa của giới làm báo. Thậm chí một số thành viên trong ủy ban chống nghị quyết này về sau còn xuất hiện trên tờ Việt Weekly đều đều, thậm chí còn được viết cho tờ báo này mà!

Cũng với một chiến thuật giống như sinh thời của Ủy Ban Chống Nghị Quyết 36, Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai dùng lập luận: “báo chí có tiếng nói tự do của báo chí thì đồng hương cũng có quyền tự do bày tỏ cảm tưởng của mình đối với ký giả có hành động tiếp tay với Cộng sản” bằng cách: “Không tiếp xúc - Không trả lời phỏng vấn - Không cho quảng cáo - Không cho chụp hình - Không cho vào các cuộc họp của đoàn thể”. Vâng, đồng hương là thành phần có nhiều quyền tự do kể cả quyền tự do lựa chọn, quyền tự do nghe hay không nghe kêu gọi “5 không” của ủy ban chứ không phải chỉ có tự do bày tỏ cảm tưởng của mình với những ký giả có hành động tiếp tay với Cộng sản. Và đồng hương ngày nay còn thận trọng với cả những từ ngữ mà ủy ban phối hợp dùng như "tay sai cộng sản", "tiếp tay với Cộng sản" hay "làm lợi cho Cộng sản". Tôi cũng vậy. Dứt khoát, tôi “kỵ” những nhóm chữ này, ngay cả từ thời đang còn mài đũng quần trong khóa huấn luyện Phóng Viên Vô Tuyến Truyền Thanh năm 1964.

Tôi còn nhớ thời gian đó, người kèm học chúng tôi là thầy Nguyễn Ngọc Phách, bào đệ của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh thường hay nhắc nhở 10 “lính mới tò te” của Khóa I :”Các bạn còn trẻ nên tập cho mình biết thù cái thứ ngôn ngữ cạm bẫy này đi. Nó không xứng đáng để chúng ta đưa vào văn chương báo chí, bởi vì nó là thứ vải đen để bịt mắt nạn nhân của bọn mật thám Tây trước đây. Nói cái gì phải có bằng chứng. Người ta bày tỏ ý kiến ngược với mình khi muốn bảo họ là tay sai thì cứ bảo à? Sao kiểm chứng được? Sao tin anh được ?"

Thành thật mà nói, thời VNCH, quyền hành của Bộ Thông Tin trong đó có Nha Báo Chí và Sở Kiểm Duyệt (gọi là Phối Hợp Nghệ Thuật) cũng lớn lao lắm, nhưng không bao giờ dám ra một thông cáo truyền lệnh cho ký giả này, nhà báo nọ phải làm thế này thế kia, kiểu “5 Không” của Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai. Báo đưa nạp bản, có gì đi ra ngoài chính sách thì Sở Kiểm Duyệt "đục bỏ" hay báo phải "tự đục bỏ", chứ không thể gọi cho tòa soạn bảo nhà báo, phóng viên phải sửa theo ý mình. Nếu cảnh sát khám phá ra nhà báo nào "đỏ đít" (Cộng sản) thì mời vô Chí Hòa và tội danh này là tội danh "hoạt động cho Cộng Sản hay là cán bộ Cộng sản nằm vùng" chứ không phải bị bắt vì tội làm báo có lợi cho Cộng sản. Ngoài chuyện nầy, quyền tự do hành nghề của ký giả được tôn trọng triệt để. Vì thế, nếu phải so sánh, tôi thấy Ủy Ban Phối Hợp nhiều quyền hành hơn chính phủ VNCH trước đây rất nhiều. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với một guồng máy quản lý và quân đội lớn như vậy mà không bao giờ dám ra lệnh cho báo chí. Nhưng ủy ban phối hợp dù chỉ là một cơ cấu tự xưng trong cộng đồng thiểu số ở Mỹ, chứ không do đồng hương bầu, mà quyền cũng lớn như thế thì quả thật là điều nghịch lý phải không? Nếu không lớn thì làm sao mấy ổng "chỉ tay" vào nhà báo này, trỏ ngón vào nhà báo kia và bảo người ta là "tay sai Cộng sản", "làm lợi cho Cộng sản" khơi khơi như vậy.

Từ sau thời kỳ ông Nguyễn Minh Triết đến Dana Point, xem ra danh sách những người “làm lợi cho Cộng sản” ngày một dài thêm, sao không thấy “ban” nào chỉ tay cho đồng hương, lôi ra tố khổ cho đồng hương thêm tin tưởng? Nhưng nghĩ cho cùng thì dù ủy ban phối hợp có "chỉ trỏ" thêm vài nhà báo nữa như đã hứa, nhưng vẫn không thể "mạnh" hơn được viên tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, Thứ Trưởng Bộ Công An. Sau vụ công an đánh chết người tại Bắc Giang, viên tướng này tập họp những thành phần trí thức bị nghi là "bất đồng chính kiến" và "manh nha tư tưởng phản động" và ông ta cảnh cáo đại ý nói rằng thời buổi này "các anh dễ bị đụng xe lắm, hoặc ra quán uống một ly cà phê về đến nhà người cứng đơ". Nguyễn Văn Hưởng còn huỵch toẹt: "Không được phản biện vì phản biện là phản động". Viên thứ trưởng công an bị những thành phần chống đối trong nước gọi là "đồ tể" còn nhắc nhở báo chí truyền thông trong nước là "công cụ của nhà nước và làm theo lệnh nhà nước, không phản bác gì cả".

Bây giờ, tôi muốn thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm. Tôi biết ông từ trước 30 tháng 4, 1975. Ông là một trong các thứ trưởng trẻ tuổi nhất trong nội các Đệ Nhị Cộng Hòa, coi sóc nền giáo dục của Miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đến mũi Cà Mâu. Là một thành viên trong nội các không có bất cứ tai tiếng gì, ông được các nhà giáo dục và công chúng VNCH tin tưởng là người có thể làm nên chuyện. Nhưng biến cố 30 tháng tư đã làm tan nát hết. Sau những năm tháng tù đầy trong chế độ CS, ông sang Mỹ tiếp tục dấn thân vào những hoạt động văn hóa, trong đó có việc dựng lại hình bóng của tả quân Lê Văn Duyệt qua Lê Văn Duyệt Foundation. Điều làm tôi ngạc nhiên là gần đây ông biến cơ quan văn hóa mà ông giữ trọng trách thành nơi tụ họp của những chính khách, các nhà hoạt động chính trị, tập họp một số thành phần hoang tưởng, biến cái phòng họp nhỏ bé của Lê Văn Duyệt Foundation thành kiểu sinh hoạt tố khổ báo chí như chúng ta đang thấy? Liệu ông có một niềm tin chắc chắn nào rằng ủy ban phối hợp trong đó có ông tham dự sẽ phát hiện được cán bộ cộng sản, tay sai cộng sản hay những người làm việc có lợi cho cộng sản nào khác không? Hay cũng lại chỉ, trỏ vô căn cứ?

Giả sử nếu phát hiện ra những phần tử CS xong rồi thì các ông trong ủy ban phối hợp sẽ làm gì? Không làm gì được cả! Và cuối cùng các ông vẫn phải bám vào những bản lên tiếng, những văn kiện hữu danh vô thực, sẽ mờ đi theo thời gian trôi qua. Mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy. Có lẽ là người còn chút nhiệt tình cho nên Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm nghĩ rằng những ủy ban này hay ủy ban kia có khả năng đội đá, vá trời giúp ông thực được những giấc mơ?

Không đâu, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm ơi! Muốn làm một chuyện gì ở nước Mỹ này cũng phải có tiền, có nhân sự, nhân sự ngoài khả năng chuyên môn phải có lòng tử tế, khiêm tốn để có sức thuyết phục đồng hương về công việc làm của mình, của nhóm mình để cầu mong sự yểm trợ của họ. Những nhà báo, nhất là báo và truyền Việt ngữ, còn làm việc đến ngày nay hay đang xăng xái bước vào nghề là họ còn có lòng lắm đối với tương lai báo chí Việt ngữ truyền thông cũng khá mờ mịt ở hải ngoại. Làm báo ở đất Little Saigon này vừa khó lại vừa yếu tiền và phúc lợi. Chỉ có niềm cay đắng là lớn nhất thôi. Nhưng các nhà báo sao cứ đeo đuổi mãi nghề này để cứ bị hành tội hoài, có khi lại còn bị dọa “5 không”? Tôi nghĩ chỉ có đem niềm say mê ra để giải thích. Ngoài ra, thử thách lớn lao nhất của một nhà báo ở trong cộng đồng là: viết sự thật, không làm hài lòng một số lãnh tụ, thì bị cho là tay sai, phản bội và làm lợi cho Cộng sản, viết một cách hiền lành cho qua truông thì bị mang tiếng là "áo thụng vái nhau" và tự nhiên mình cũng cảm thấy hèn không kém gì những nhà báo ở trong nước.


Last edited by Admin on Fri Sep 17, 2010 1:01 am; edited 1 time in total
Back to top Go down
https://hoikygia.board-directory.net
Admin
Admin
Admin


Posts : 49
Join date : 2010-08-18

Về quyền tự do hành nghề của nhà báo Empty
PostSubject: Quyền tự do hành nghề của nhà báo (Kỳ chót)   Về quyền tự do hành nghề của nhà báo EmptyWed Aug 18, 2010 11:22 pm


Quyền tự do hành nghề của nhà báo (Kỳ chót)

Vũ Ánh/Viet Herald

(08/11/2010)

Làm báo ở trong cộng đồng Việt Nam trong bao nhiêu năm, ít có người làm báo nào mà không trải qua những cay đắng, đôi khi tủi nhục. Muốn yên thân, muốn không ai đụng đến mình, tốt nhất nhắm mắt làm ngơ, tiếp tục pha nước đường cho nhau uống, ngậm miệng, bịt tai để tự kiểm duyệt mình.

Nhưng cứ như thế thì đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy ngượng với chính chúng ta và cứ tiếp tục ngồi im nghe những lời lẽ như thế này, như lời một bác sĩ, ông Nguyễn Hy Vọng phát biểu trong buổi họp báo của Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai tại Lê Văn Duyệt Foundation qua lời tường thuật của nhật báo Viễn Đông:

“Tôi BS Nguyễn Hy Vọng cùng rất nhiều chiến sĩ quốc gia khác, hôm nay xin long trọng báo tin cùng toàn thể đồng bào của hàng trăm cộng đồng quốc gia tỵ nạn Cộng Sản trên nước Mỹ cũng như khắp thế giới tự do được biết phản ứng quyết liệt của chúng tôi về những mưu toan hèn hạ phá hoại và khuynh đảo các cộng đồng quốc gia bởi những tên viết báo lưu manh, tay sai của bọn cầm quyền Hà Nội... Những tên lưu manh này hiện đang chui rúc trong một vài tờ báo theo Cộng Sản tại đất Cali này. Chúng nó giả mạo là dân viết báo cho cộng đồng, nhưng thật ra là những tên bồi bút cho Cộng Sản Hà Nội, chúng nó là những con chuột cống tanh hôi, chui rúc, sống bám và nhờ vào cộng đồng qua mấy tờ báo của chúng nó, nhưng lại đê hèn, xuyên tạc nói xấu và phỉ báng những hoạt động tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của người Việt quốc gia chúng ta trên đất Cali này...”

Ông Nguyễn Hy Vọng còn tiến xa hơn nữa khi ông lên án: “Chúng nó tiếp tay cho bọn Cộng sản Hà Nội, phá hoại, khuynh đảo sự đoàn kết và lòng quyết tâm của 86 triệu đồng bào trong nước và 3 triệu người Việt hải ngoại đang hiên ngang tranh đấu để cứu đất nước Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ của bọn Tàu.”

Những người làm báo ở đất này nghĩ thế nào về những lời lẽ của một bác sĩ như ông Nguyễn Hy Vọng? Trên một đất nước tự do, ông có quyền nói nặng hơn nữa, cay nghiệt hơn nữa. Không sao. Nhưng tôi nói thẳng là ông không dám nói như vậy nếu đất nước này là Việt Nam. Tại sao? Bởi vì ông thừa biết nền tự do của Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ ông ngay cả việc ông là tác giả của những lời lẽ mà tôi tin rằng không thể thuyết phục được ngay cả các con ông chứ đừng nói đến các đồng hương.

Báo giới trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn cũng có người này người kia và biết đâu có tay sai Cộng Sản thật. Nhưng khi đưa ra những lời lẽ như BS Nguyễn Hy Vọng thì ông cần phải nêu lên một vài trường hợp điển hình chứ nếu cứ như kiểu nói của ông thì có thể gây ra ngộ nhận và dẫn tới việc cần phải đặt dấu hỏi về sự hiểu biết của ông về cộng đồng, về Cộng Sản, và về nguyên cớ khiến ông giận dữ như vậy.

Tuy nhiên, đây chỉ là chuyện nhỏ bởi vì tôi tin rằng những đồng hương tỵ nạn tại Little Saigon thừa sáng suốt để đánh giá bất cứ một lời nói nào của những nhà tranh đấu thật cũng có, mà giả hiệu cũng không phải hiếm. Thật ra mà nói, nếu không muốn những lời lẽ như ông BS Nguyễn Hy Vọng nhắm vào giới làm báo chúng tôi, một nhà báo cúc cung những đêm dài, viết ra những bài báo xưng tụng lẫn nhau hay với bất cứ đối tượng nào, dồn mọi điều xấu xa nhất vào Cộng Sản, nhắm mắt trước những huênh hoang, giả hiệu, những màn kịch diễn dở... bảo đảm nhà báo này về nhà ngủ yên, không bị ai cằn nhằn, trách móc “sao lại đụng vào họ làm gì.”

Thế nhưng đã mang thân cắp sách đi học, đã vùi đầu vào sách thánh hiền để mong tìm được những lời dạy, đã tiêu trọn tuổi thanh niên vào cuộc chiến đấu chống Cộng Sản, không lẽ chúng ta cứ nói dối, viết dối cho nhau đọc mãi sao?

Nhìn vào gương thấy mái đầu đã bạc, chẳng còn lại bao năm, nhìn con cái lớn lên và chúng sống trong những suy nghĩ trong sáng, phải tự hỏi: “Con cái mình sống như thế là nhờ đâu? Và nếu chúng còn phải sống trong cái xã hội tan nát và nhầy nhụa quyền lực độc đoán tại Việt Nam, chúng sẽ ra sao?” Tôi không viết ra câu trả lời của cá nhân tôi, vì tôi tin rằng đồng hương, đồng cảnh với cái thân phận bọt bèo trong đời lưu vong vì mất nước của chúng ta, mỗi người sẽ có những câu trả lời riêng cho mình. Ai cũng hiểu rằng chúng ta không thể chấp nhận Cộng Sản và cần có những hành động cụ thể, cần có những hiểu biết để chống lại họ, nhưng hành động đó phải thật, phải đàng hoàng với sự hy sinh và lý tưởng. Chống Cộng theo tôi hiểu bằng trái tim mình, bằng cả cuộc đời tràn ngập những kinh nghiệm đau thương, không phải là mạnh miệng hô hoán, lên án, cáo buộc người đồng cảnh với mình một cách mù quáng và với tấm lòng nguội lạnh nhưng lại đầy sân hận riêng tư, mà phải bằng hành động nhắm thẳng vào đối phương, sẵn sàng hy sinh to lớn với lòng bao dung và trái tim rộng mở.

Sinh sống ở một đất nước vẫn còn là mơ ước của hàng trăm triệu người trên thế giới như nước Mỹ, chúng ta liệu có thể chịu đựng mãi cái cảnh sinh hoạt “dân chủ” như thế này hay không, tôi xin trích bài tường thuật của nhật báo Viễn Đông về cuộc họp báo của UBPH chống Cộng Sản và Tay Sai tại Lê Văn Duyệt Foundation, đoạn biểu quyết để đuổi nhà báo Đoàn Trọng ra ngoài phòng họp:

...

Ông Vi Anh: “Ông Phan Kỳ Nhơn vừa đọc bản lên tiếng. Bản lên tiếng này làm trước khi họp nên anh Đoàn Trọng có mặt ở đây. Việc anh Đoàn Trọng được ở trong này hay không được ở cũng như không được phát biểu là do quyết định của tất cả quí vị."

Ông Vi Anh lại hỏi: "Bây giờ tôi đặt rõ vấn đề, ai đồng ý cho anh Đoàn Trọng ở lại phòng họp, giơ tay." Có 13 giơ tay. "Ai không đồng ý cho Đoàn Trọng ở lại phòng họp, giơ tay?” Có 28 người giơ tay.

Ông Phan Kỳ Nhơn: “Chúng tôi tôn trọng ý của đại đa số, chúng tôi yêu cầu security mời anh Đoàn Trọng ra khỏi phòng họp ngay.”

Ông Vi Anh, ngoài việc viết báo, còn là cựu dân biểu VNCH và là nhà hoạt động chống Cộng. Là một cựu dân biểu VNCH, chắc chắn ông phải là người nắm vững sinh hoạt dân chủ. Mỗi một lần Hạ Viện VNCH biểu quyết một dự luật nào thì không phải cứ hô lên là biểu quyết ngay. Bởi vì Hạ Viện VNCH gồm rất nhiều khuynh hướng khác nhau. Hiến Pháp VNCH đòi hỏi một đa số nhất định nào đó để thông qua, cho nên trước khi biểu quyết phải đếm cho đủ túc số, khi biểu quyết phải ghi rõ bao nhiêu “thuận,” bao nhiêu “chống,” bao nhiêu “trắng” và bao nhiêu không bỏ phiếu, bao nhiêu vắng mặt. Ấy thế mà đến khi có cuộc họp báo nói trên, cần biểu quyết để “mời” một nhà báo ra khỏi phòng họp báo, ông Vi Anh lại tạo ra một vài nghi ngờ.

Phóng viên của Viễn Đông cho biết thành phần tham dự khoảng 100 gồm đại diện nhiều tổ chức, hội đoàn, các cơ quan truyền thông và một số đồng hương đến với tư cách cá nhân. Như thế có tất cả 41 người chống và thuận. Thế còn những người khác không giơ tay thì sao? Sự thật như thế nào? Cái đa số 28 phiếu thuận đuổi nhà báo Đoàn Trọng có tượng trưng được cho đại đa số như lời ông Phan Kỳ Nhơn không trong khi có 13 phiếu thuận và 59 người không ý kiến, nếu chúng ta chấp nhận tổng số người tham dự là 100?

Dĩ nhiên, khi ủy ban phối hợp tổ chức họp báo thì các ông có quyền mời ai hay đuổi ai, đâu cần cử tọa cần biểu quyết làm gì. Mình là chủ nhà, muốn mời khách nào là tùy mình. Nếu tôi ở địa vị ông Phan Kỳ Nhơn, ông Vi Anh hay ông Nguyễn Thanh Liêm có thể tôi chỉ mời những nhà báo mà tôi thích và biết chắc không chỉ trích tôi? Tôi sẽ có được những bài báo dài khen ngợi, đánh bóng, vuốt đuôi tôi. Hai lỗ mũi tôi sẽ phồng lên, tôi sẽ được chụp hình lia lịa đăng báo, và không chừng tôi sẽ tuyên bố vung vít nhân danh đại diện đồng hương tất tần tật!!!

Mà điều buồn cười nhất mà có lẽ suốt đời làm báo tôi mới được thấy: người tổ chức cuộc họp báo mời báo chí đến họp báo, xong yêu cầu người tham dự họp báo biểu quyết loại đối thủ mà mình không thích ra khỏi phòng họp, nhất là chuyện này lại diễn ra ở Mỹ chứ không phải một nước độc tài Cộng Sản như Việt Nam. Những việc làm lạ lùng, khuất lấp và thiếu dân chủ như thế mà các ông vẫn nhân danh những người chống Cộng... thì quả thật mấy ông trong ủy ban phối hợp là mấy ông Trời thật! Thà rằng các ông gởi giấy mời nhưng ghi rõ “những ai có tên trong danh sách bị lên án, xin đừng đến,” người nhận được dễ chịu hơn vì họ nghĩ một ủy ban hỗn hợp tự nhận là chống Cộng Sản và tay sai phải rõ ràng, minh bạch, thẳng thắn, hợp tình, hợp lý hơn bọn Cộng Sản.

Nhưng chưa hết, còn vài điểm nữa. Đó là nhà báo Vi Anh ít khi xưng danh nhà báo lắm. Lý do gì khiến ông như vậy thì tôi không biết, nhưng theo lời tường thuật lại thì khi nhà báo Hà Tường Cát đưa ý kiến không nên trục xuất nhà báo nào cả vì họ đến tham dự với tư cách ký giả, nghĩa là với tư cách một người viết báo thực hiện "quyền tường thuật" của mình thì ông Vi Anh phủ nhận ngay vai trò làm báo của ông. Ông khẳng định: “Ở đây tôi không xưng tôi là nhà báo Vi Anh mà tôi là cựu dân biểu VNCH.” Một người trần mắt thịt như chúng tôi thì lại trộm nghĩ: “Cái ông này cũng lạ thiệt. Làm báo, làm đài là công việc ông đang làm. Những bài bình luận cho tờ Việt Báo là cái cớ để ông nói với độc giả, thuyết phục độc giả. Chứ còn chức cựu dân cử VNCH chỉ còn là kỷ niệm từ hơn 35 năm rồi, chứ nó không phải là chức vụ hiện tại ở nghị trường Hoa Kỳ. Ông lôi chức vụ cũ này ra để thề chống Cộng tới cùng cũng chẳng có tác dụng gì. Dù là cựu dân biểu VNCH không có gì bảo đảm ông chống Cộng tới cùng cả. Chức cựu dân biểu VNCH cũng chẳng cung cấp cho ông đủ quyền lực để ra lệnh cho bất cứ ai. Trong khi với một bài báo, nếu ông viết thật, nghĩ thật với những bằng chứng khả tín hay xác tín, nó sẽ có tác dụng giúp ông chống Cộng sắc bén hơn nhiều và có thể gây ảnh hưởng hơn những lời hô hoán của một cựu dân biểu. Ông cứ dùng chức cựu dân biểu, nhỡ đứa nào “bựa” nó hỏi: “Thế làm dân biểu VNCH thì ông thuộc cánh thân chính hay đối lập?” thì cũng phiền. Làm dân biểu mà lại thân chính quyền, thân hành pháp thì cử tri cứ gọi là lè lưỡi!!!”

“Hơn nữa, ông viết báo thì còn có người đọc ông, ông nói chuyện trên truyền hình thì còn có người xem ông, nghe ông. Nhưng với chức cựu dân biểu cách đây 35-40 năm tại VNCH thì ông đâu còn cử tri để đại diện, để nói với họ và để có người nghe ông nói?”

Trò chơi dân chủ trong cuộc họp báo ở Lê Văn Duyệt Foundation đã có những lấn cấn rồi, nhưng nó có thể làm cho dư luận nguôi ngoai đi. Tuy nhiên, ông Phan Kỳ Nhơn không đồng ý như thế. Ông vẫn dọa “kiểu Nguyễn Văn Hưởng”: “Cái phương cách mà chúng ta đã học: muốn bẻ gãy bó đũa phải tách ra từng cọng đũa. Đó là nguyên tắc. Bước kế tiếp chúng tôi sẽ thông báo cùng đồng hương sau.”

Chẳng có gì lạ về phương pháp này đâu. Nhưng tôi thắc mắc không biết ông Phan Kỳ Nhơn học ở đâu. Chính quyền Mỹ ở đây thì không bao giờ dám dạy phương pháp này rồi. Chỉ còn Cuba, Cộng Sản Bắc Hàn, Trung Cộng, Cộng Sản Việt Nam là đang áp dụng phương pháp “chia để chặt” trong việc đàn áp những tiếng nói đối lập trong nước của họ. Chỉ có điều, tại các quốc gia nói trên, nhà cầm quyền không cần tách bó đũa mà cưa luôn cả bó, vì đối với họ “bắt lầm còn hơn để sót.” Không hiểu Chủ Tịch Phan Kỳ Nhơn có bao giờ "bắt lầm còn hơn bỏ sót" không nhưng cứ như thực tế đã diễn ra trong quá khứ sự cẩu thả của quí vị trong việc quyết định mục tiêu cho thấy không có gì bảo đảm quí vị nói làm đúng, làm trung thực. Mà lấy cái gì để quí vị làm? Mấy cụ cũng chỉ là phó thường dân Mỹ gốc Việt như chúng tôi, có gì để làm chúng tôi sợ? Chúng tôi chỉ sợ mình vi phạm vào luật pháp ở Hoa Kỳ thôi, nói thật là như thế!

Chứng cớ: trưa ngày Thứ Tư tại quán Zen, trong buổi sinh hoạt do Dân Biểu Trần Thái Văn tổ chức để đón ứng cử viên Carly Fiorina (Cộng Hòa), đối thủ của TNS Barbara Boxer (Dân Chủ). Buổi sinh hoạt có sự hiện diện của một số quan chức, dân cử Mỹ, Việt khác trong đó phải kể sự hiện diện của ông Phan Kỳ Nhơn. Trong số ký giả, có Đỗ Dzũng của tờ Người Việt người đã bị Ủy Ban Phối Hợp Chống Cộng Sản và Tay Sai cáo buộc làm tay sai, làm lợi cho Cộng Sản. Ủy Ban Phối Hợp đã kêu gọi áp dụng chính sách “5 Không” trong bất cứ sinh hoạt nào của cộng đồng đối với nhà báo Đỗ Dzũng. Nhưng trong buổi sinh hoạt của Dân Biểu Trần Thái Văn, không thấy ông Phan Kỳ Nhơn có ý kiến hay kêu gọi biểu quyết đuổi ông Đỗ Dzũng ra. Sao kỳ vậy? Thật ra, tôi hỏi chỉ là hỏi thôi chứ tôi biết chắc là đối với Dân Biểu Trần Thái Văn, không làm sao mà ông Phan Kỳ Nhơn có thể hó hé gì được cả đâu. Cộng đồng này ai mà không biết!

Tôi duyệt lại tất cả những điểm trên là muốn tâm sự một điều này với các đồng nghiệp: làng báo trong cộng đồng này từ bao lâu nay vẫn chưa chứng tỏ được rằng mình là “làng báo” của thủ đô tỵ nạn Little Saigon. Mỗi tờ báo, mỗi cơ quan truyền thông Việt ngữ tại đất nước tự do này lẽ ra phải tỏ ra xứng đáng là làng báo tự do. Nhưng vì mỗi một cơ quan, mỗi tờ báo có những quyền lợi riêng, bị những áp lực kinh doanh khác nhau nên họ ít khi để ý đến thân phận những ký giả làm việc cho họ. Động một tí là người phóng viên, ký giả lãnh đủ những điêu đứng vì những "ông trời" cố tình xâm phạm vào việc hành nghề của họ. Cho nên phóng viên và ký giả ở đây phần nhiều không được ngay cả tờ báo của mình bảo vệ. Vì thế, bọn gian dùng mọi thủ đoạn manh động, mượn lớp áo chống Cộng để hù dọa nhà báo, thậm chí họ có những hành động chẳng khác gì đám công an ở Việt Nam. Trước đây ở Little Saigon đã có tới hai nghiệp đoàn, một cho ký giả và một cho các chủ báo, nhưng người lãnh đạo các nghiệp đoàn này không có những biện pháp bảo vệ ký giả hội viên của mình và lâu nay các nghiệp đoàn trên cũng không hoạt động.

Nay, trước những đe dọa và hành động ngang ngược của một nhóm người coi thường Hiến Pháp Hoa Kỳ, những ai còn hành nghề báo kể cả những chủ báo, những chủ bút, tổng thư ký, phóng viên, biên tập viên, nhân viên các báo, các cơ quan truyền thông - không phân biệt chính kiến - hãy tập họp lại thành một câu lạc bộ báo chí Tự Do với hai mục tiêu tối hậu: thăng tiến nghề nghiệp, bảo vệ ký giả, liên lạc với các câu lạc bộ báo chí Hoa Kỳ, hoạt động tương tế, xã hội. Với một câu lạc bộ đàng hoàng và trong sáng, minh bạch, không Cộng sản, nội quy nghiêm minh, tôi tin rằng các nhà báo sẽ không còn bị những phần tử cực đoan hay chống Cộng giả hiệu đe dọa một cách vô lối như hiện nay. (V.A.)
Back to top Go down
https://hoikygia.board-directory.net
 
Về quyền tự do hành nghề của nhà báo
Back to top 
Page 1 of 1
 Similar topics
-
» Thông Báo họp bầu Ban Chấp Hành Hội Ký Giả VNOC

Permissions in this forum:You cannot reply to topics in this forum
HỘI KÝ GIẢ VIỆT NAM ORANGE COUNTY :: Bài Vở - Tham Luận - Bình Luận-
Jump to: